Việt Nam English

Bí quyết học tập tại Canada dành cho du học sinh

Học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước không bao giờ là thừa. Những kinh nghiệm dưới đây sẽ là kim chỉ nam cho những bạn trẻ khi đặt chân đến Canada.

Tổng quan

Chương trình học College ở Canada không khó để pass môn học (yêu cầu đạt 50~60% tùy môn tùy trường) nhưng cũng không phải dễ để đạt điểm cao vì điểm số được phân bổ đều suốt khóa học với nhiều tiêu chí kiểm tra: Quiz, Assignments, Online Course, Labs Practicing, Midterm Test, Final Test. Các dạng bài kiểm tra thường là: Multiple choices, Fill in blanks, Short Answers, Fill in charts/diagrams/processes, Essay Writing. Do vậy, bạn không nên học tủ, mọi kiến thức sẽ trải dài trong sách, tuyệt đối đừng quay cóp và dùng bất kỳ cheating gì kể cả hỏi bài nếu không muốn gặp Chairman chủ nhiệm khoa để "uống trà". Họ kiểm tra liệu mình có hiểu bài và biết cách suy luận giải quyết vấn đề. Bản thân mình tiếng Anh cũng không tốt lắm, trong lớp mình chỉ nghe giảng hiểu được 60~80% thôi, phần còn lại mình đọc sách nhiều và discuss với bạn học nhóm để bổ sung thêm và luyện speaking. Quan trọng là bạn có chịu dành thời gian để học hay không, mọi khó khăn khác bạn sẽ từ từ vượt qua dễ dàng thôi.

Các tiêu chí chấm điểm cho một môn học như sau:

Quiz & Attendance (chiếm 20% số điểm): giống kiểm tra 15 phút ở Việt Nam không báo trước, Quiz thường làm vào đầu giờ học (có khi 7h30 sáng hoặc cuối giờ học, bạn nào đến trễ hoặc vô điểm danh xong cúp học coi như mất điểm phần này, nên sắp xếp chỗ ở gần trường là một lợi thế). Thường sau khi học xong mỗi Chapter sẽ có Quiz, hoặc trung bình 2~3 tuần là có Quiz, một học kỳ học 14 tuần thì sẽ có chừng 5 Quiz. Tips của mình là mình luôn nghĩ hôm đi học môn đó sẽ có Quiz, nên mình luôn học chuẩn bị summary bài trước đó vài ngày và review lại bài học để retain lại 80% kiến thức. Dù có Quiz hay không thì mình luôn có đủ kiến thức trong tư thế sẵn sàng để làm bài và quan trọng hơn, đến Midterm & Final Tests mình không phải mất thời gian nhiều để ôn bài. Khoa học đã chứng minh là não bạn có phản xạ tự nhiên quên đi (chứ không phải để ghi nhớ), nó sẽ quên đi gần 80% lessons sau 1 tuần không review. Bởi mởi có câu “thời gian chữa lành mọi vết thương là vậy” hehe vụ Attendance sẽ không có điểm, nhưng khi bạn bị điểm thấp (45% chẳng hạn), thì Coordinators hoặc Professors cũng sẽ có thể dựa vào 100% Attendance của bạn mà cứu xét, sẽ không có tolerate cho những bạn <80% Attendance.

Assignments và Labs (chiếm 30% số điểm): Instructors sẽ cho bạn một topic và yêu cầu hoàn thành trước deadline ( khoảng 2~4 tuần tùy ), một học kỳ có thể có 2~4 Assignments, có thể là Survey Report, Online Course, Essay Writing, 50~100 questions của 1~4 Chapters vừa học (mỗi Chapter khoảng 30~50 trang), Presentation 5~10 phút speaking trước lớp…v…v. Kinh nghiệm của bản thân là mình luôn cố gắng dành thời gian làm và hoàn thành Homework & Assignments ngay trong tuần vừa được giao. Điều này giúp mình hệ thống lại những gì vừa học và đỡ mắc công phải đọc hiểu lại mà được thầy cô khen vì hoàn thành và hand-in prior to deadline, đến trước ngày test mình review lại vài lần nữa là có thể làm tốt like a piece of cake.

Midterm Test & Final Test (chiếm 25% mỗi phần hoặc 20&30%): Với các dạng câu hỏi đã nói ở trên. Nhờ study & review liên tục đều đặn mỗi tuần trong lúc làm Quiz & Assignments mà đến lúc Midterm Test (tuần thứ 7 của học kỳ) và Final Test (tuần thứ 14 của học kỳ) mình cảm thấy nhẹ nhàng khi review, không bị stress và quá tải reading (khoảng 100~200 trang sách). Có học, có hiểu bài, nắm vững kiến thức là bạn sẽ tự tin làm tốt bài test dù test có ra dạng tricky gì.

Điều cần nhất để đạt điểm cao, các bạn nên có một Target đặt ra đầu mỗi Semester cho Study Plan của mình và tuân thủ theo nghiêm túc, một cách kỷ luật mỗi tuần. Nhờ có “Target” và “iron Discipline” bạn sẽ tránh được tối đa các cám dỗ như : bận đi làm thêm, mắc đi chơi, kẹt lịch hẹn, nhà xa, ngủ quên, chán, buồn, học không hiểu, thích chơi game và lướt facebook hơn…v…v. Mọi ưu tiên sẽ đều dành cho việc học và bạn sẽ sắp xếp được để học tốt. Ban đầu mình chỉ đặt target đạt GPA 3.5/4.5 nhưng với cách học và thái độ học nghiêm túc cuối kỳ vừa rồi mình đạt 4.354/4.5. Mọi người thường nói “Study smarter, not harder” nhưng mình nghĩ cần cù bù thông minh, nếu bạn đã học Smarter rồi thì ngại gì không học Harder để đảm bảo kết quả tốt và có kiến thức nghề vững cho những cuộc interviews)

Một số câu hỏi thường gặp:

1. Học ngành gì để có thể xin PR ở lại?

Tùy khả năng của bạn và nhu cầu của chính phủ Canada ở thời điểm bạn apply, chẳng ai có thể guarantee 100% PR cho bạn và trả lời câu hỏi này được. Thông thường mình hay research 5 ngành mà Canada cần ở thời điểm hiện tại (đa phần là các nghề cần Technique và thợ làm nghề : hàn, điện, sửa xe, IT…). Sau đó list ra 5 nghề mà bạn thích hợp làm nhất so với background của bạn. Cuối cùng matching xem bạn sẽ biết nên học nghề gì. Nên học chương trình 2 năm ( tối thiểu College 2 năm hoặc 2 cái Post Graduate 1 year-Certificates ) để có work permit 3 năm sau khi tốt nghiệp (đủ thời gian để tìm cơ hội apply PR).

2. Học phí mắc không?

Tùy trường và tình hình tài chính của bạn, có PR thì khoảng CAD6,000 còn International Student thì 13,000~17,000 $CAD/năm học ( 2 full-time semesters ). Bậc học University hay Master sẽ mắc hơn nhiều.

3. Sách mua đắt không hay sách photo dùng được không?

Sách bản quyền mua rất đắt, 50~200$/cuốn hoặc hơn tùy độ dầy và giá trị kiến thức của cuốn sách. Một số môn học yêu cầu phải có code của sách bản quyền nên sách photo sẽ không dùng được. Bạn có thể dùng sách photo ở nhà để tham khảo, tuyệt đối không mang lên trường/lớp.

4. Có môn nào học bằng tiếng Việt được không vì em dở tiếng Anh lắm?

Khi ra khỏi Việt Nam rồi thì bạn nên bỏ tư tưởng dùng tiếng Việt đi, điều này sẽ giúp bạn thích nghi nhanh, học tốt, và sống ổn định ở nước ngoài. Nên học lấy IELTS 6.0 ở Việt Nam sẽ tiết kiệm tiền và thời gian cho bạn nhiều hơn là qua Canada học English ESL khoảng 4,000$/khóa 4 tháng. Lý do vì sao xin mời đọc tiếp câu hỏi sau.

5. Em học English ESL chưa vào khóa chính ở trường có được đi làm không?

Theo luật là không được đi làm khi học English, còn chuyện tự do cá nhân bạn muốn làm chui lấy cash (no cheque) thì nên đề phòng rủi ro bị phát hiện sẽ bị hủy visa & study permit. Khi vào học khóa chính bạn được phép làm 20 giờ/tuần (on campus) và khi kết thúc mỗi học kỳ hoặc nghỉ hè bạn được phép làm full time 40 giờ/tuần (off campus). Status PR thì làm thoải mái miễn sao đảm bảo việc học không bị ảnh hưởng nhiều.

6. Nên học Post Graduate (nhiều người ở VN hiểu lầm cái này là Master), College hay Master?

  • Post Graduate là Certificate 1 năm: một kiểu chứng chỉ sau đại học ở Việt Nam, như chứng chỉ AutoCAD hay chứng chỉ vận hành máy CAD/CAM…nếu học cái này bạn sẽ chỉ được cấp 1 năm work permit không đủ thời gian để xin việc (trung bình mất 6 tháng~1 năm) để apply PR (yêu cầu có full-time job 1 năm). Nếu chọn học nên học 2 cái Certificate liên tiếp nhau để có thể apply work permit 3 năm. Cầm Certificate này sẽ khó xin việc hơn bằng Diploma của College. Thường lúc xin Visa sẽ apply chương trình Post Graduate 1 năm này để dễ giải trình cho quá trình học đại học ở VN và học tiếp Certificate này ở Canada cũng như chứng minh tài chính nhẹ nhàng hơn và có lý do quay về VN sau khi học xong. Khi qua đến Canada sẽ chuyển chương trình học sang College.
  • College: giống hệ cao đẳng 2 năm ở Vietnam hoặc nếu có kỳ Co-op thực tập là 3 năm. Dễ xin việc với mức entry level dù lương thấp 12~15$/giờ. Tuy nhiên phục vụ khá tốt cho việc xin PR (full-time job là điều kiện tiên quyết).
  • Master: bậc thạc sĩ này đòi hỏi nhiều điều kiện đầu vào cao và tài chính tốt, dễ giải trình khi xin Visa, chương trình học khó hơn College, khó có việc làm khi tốt nghiệp, có lợi thế là một số tỉnh bang offer cấp PR cả gia đình (vợ chồng con cái) cho những người học tốt nghiệp Master ở tỉnh bang đó, bất lợi là nhỡ tỉnh bang đóng chương trình này thì bạn phải đi kiếm full-time job hơi khó khăn vì overqualified.

Tùy bạn cân nhắc khả năng học của bản thân, tài chính mình có, và hướng khả dĩ để có full-time job mà chọn học.

7. Em muốn tìm học bổng để xin đi học từ Vietnam được không?

Canada thường chỉ cấp học bổng khi bạn đang học ở Canada và có kết quả tốt, hầu như không có học bổng ngoài Canada như Mỹ hay Úc và các nước khác.

8. Em có thể vừa học vừa làm mà kiếm đủ tiền đóng học phí không?

Yes and No. Một số anh chị giỏi có thể thu xếp thời gian làm đủ đóng học phí và sinh hoạt phí và học tốt, nhưng số lượng đấy không nhiều. Bạn cần biết mục đích chính của bạn là học tốt, nếu dành thời gian quá nhiều để đi làm sẽ không còn thời gian học, thi rớt, bị đóng tiền học lại, lại cần tiền đóng học phí, và lại đi làm nhiều hơn tạo thành một vòng lẩn quẩn, sẽ rất stress không còn tâm trí học tốt. Bạn nên cân bằng cuộc sống, mình thấy việc làm thêm chỉ nên vừa đủ trang trải sinh hoạt phí (1,000$ mỗi tháng) để đảm bảo học tốt. Còn từ đầu không saving đủ học phí trong 2 năm học College (khoảng 30,000$ ~ 500 triệu VND) thì không nên bất chấp đi học sẽ rất rủi ro.

9. Em nên học ở tỉnh bang nhỏ để dễ có PR hay nên học ở các thành phố lớn như Toronto, Montreal hay Vancouver?

Tỉnh bang nhỏ có nhiều chương trình ưu đãi PR, bù lại ít cơ hội việc làm, sinh hoạt phí và học phí rẻ hơn một chút 10~20% so với các thành phố lớn.

Các thành phố lớn thì ít chương trình PR nhưng cơ hội việc làm nhiều. Nhiều chỗ tham quan vui chơi xả stress cho các bạn trẻ sống xa gia đình, sinh hoạt phí mắc hơn, riêng Montreal đòi hỏi phải biết/học tiếng Pháp nữa.

Nhìn vào tiêu chí apply PR thì quan trọng nhất là kiếm được Full-time Job, vậy bạn cứ cố gắng đầu tư vào việc xây dựng năng lực làm việc và Networking của bản thân thì sẽ kiếm được job ở Canada và apply PR ở những tỉnh bang nào cần nghề nghiệp của bạn đang làm. Chương trình PR thay đổi liên tục tùy năm, cũng hên xui  :D nên thôi mình cứ tập trung đầu tư vào khả năng của bản thân thì tốt hơn là đi tắt đón đầu. Anyway, chọn học ở đâu thì cũng đều có Pros & Cons bạn cứ cân nhắc phù hợp với hoàn cảnh cá nhân.

Phân tích một chút, khả năng đậu Visa theo đường du học đối với 1 học sinh, có 2 yếu tố chính quyết định:

  • Do yếu tố KHÁCH QUAN: Chính sách Visa của nước sở tại.
  • Do yếu tố CHỦ QUAN: khả năng đáp ứng của du học sinh.

Khách quan

Theo CÁC CHÍNH SÁCH CỦA CANADA thì một trong số đó là thu hút người tài giỏi vào đất nước họ để phát triển kinh tế bằng cách ban hành các chính sách định cư hấp dẫn. Trong số những người tài giỏi sẽ có đối tượng du học sinh quốc tế (trong đó có VN). Để làm được điều đó thì họ (chính phủ) sẽ nghĩ ra nhiều cách làm để triển khai sao cho hợp lí, với nhóm du học sinh, 1 trong những cách đó là tạo điểu kiện thuận lợi cho nhóm này vào học tập (vừa thu nguồn lợi, vừa thu nhân lực), được thể hiện bằng chương trình CES (ở Việt Nam) hay chương trình Student Partner’s Program (ở Ấn Độ). Thuận lợi như thế nào thì các bạn tự so sánh với trước đây khi chưa có CES. Do đó có thể KHẲNG ĐỊNH: Khả năng bạn đậu Visa sẽ cao hơn so với trước đây khi đáp ứng đầy đủ yếu tố CHỦ QUAN ở bên dưới.

Chủ quan

Yếu tố này quyết định ở chính bạn, có mấy vấn đề sau: Tài chính, học tập, điều kiện riêng để tham dự được các chương trình xin Visa.

*Tài chính: không cần quá giàu, nhưng phải có tiền.

*Học tập: Giống như học tại Việt nam, muốn được vào học thì phải đáp ứng những yêu cầu về học tập theo quy định của từng trường (điểm số, bằng cấp, tiếng anh...)

*Điều kiện tham dự các chương trình Visa: Cái này thì mỗi chương trình sẽ có những điều kiện riêng. Ví dụ: Chương trình CES thì bạn phải tốt nghiệp cấp 3, tham gia chương trình Chứng thư đầu tư đảm bảo của Scotiabank, chỉ học tại 45 trường theo danh sách, tiếng Anh 5.0.

Yếu tố chủ quan sẽ quyết định nhiều hơn đến tỉ lệ xin Visa của bạn. Vì sao vậy? Vì cái này bạn quyết định được: tiền ít thì kiếm cho đủ rồi hãng đi, học tập thì có mục tiêu từ sớm, các điều kiện khác đều có thể chuẩn bị nếu như có kế hoạch.



Bài liên quan