Việt Nam English

Hỏi đáp về du học thạc sĩ tại Đức

Phải đáp ứng những tiêu chí nào và cần chú ý điều gì khi nộp đơn xin học thạc sĩ tại Đức? Cùng Ocean Edu tìm hiểu, và lên dây cót để lập kế hoạch nhé!

Học chương trình “liên tiếp” hay “không liên tiếp”?

Chương trình thạc sĩ ở Đức được chia làm hai loại “Liên tiếp” hoặc “không liên tiếp”. Nếu như khóa học thạc sĩ “liên tiếp” được xây dựng dựa trên kiến thức bậc cử nhân, và bạn buộc phải tốt nghiệp một chương trình đại học có liên quan, thì chương trình “không liên tiếp” có xu hướng tập trung vào nghề nghiệp. Ngoài tấm bằng cử nhân, chương trình không liên tiếp thường yêu cầu ứng viên phải có một số kinh nghiệm làm việc trong ngành. Như vậy, khi tìm cho mình một khóa học cao học tại Đức, bạn đã biết cần lưu ý điểm khác biệt giữa hai chương trình học cao học để chuẩn bị tốt ở bước nộp hồ sơ rồi đấy!

Học cao học ở Đức bằng tiếng Anh hay tiếng Đức?

Tiếng Đức vẫn là ngôn ngữ chính sử dụng trong giảng dạy nói chung, nên các khóa học bằng tiếng Đức tất nhiên sẽ có số lượng phong phú hơn. Để được nhận vào một trong các khóa học bằng tiếng Đức, bạn phải chứng minh trình độ ngôn ngữ bằng hai bài kiểm tra: Deutsche Sprachprüfung für den Hochschulzugang và TestDaF (trước đây là Test Deutsch als Fremdsprache). DSH chỉ được tổ chức ở Đức tại các trường đại học khác nhau, trong khi TestDaF có thể được thực hiện tại nhiều trung tâm ở hơn 90 quốc gia trên toàn thế giới. Tất nhiên, luôn luôn nhớ kiểm tra với trường bạn dự định đăng ký xem họ sẽ chấp nhận kết quả bài kiểm tra nào trước khi dự thi lấy chứng chỉ.

Một lựa chọn ngày càng tăng là chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh - đặc biệt ở cấp thạc sĩ, và các chương trình trao đổi ngắn hạn. Bạn có thể tìm những khóa học giảng dạy bằng tiếng Anh qua cơ quan Trao đổi Học thuật Đức (DAAD) . Tất nhiên bạn cũng cần chứng minh trình độ ngoại ngữ qua các kỳ thi như IELTS hoặc TOEFL.

Đăng ký học thạc sĩ ở Đức cần điều kiện gì?

Khái niệm đầu tiên phải làm quen là hochschulzugangsberechtigung (viết tắt HZB), hay trình độ cử nhân. Đức chấp nhận một tấm bằng hệ đại học ở quốc gia khác là HZB, tức phù hợp để nhập học thạc sĩ ở Đức. Sinh viên Việt Nam cần thi chứng chỉ APS để kiểm tra tính xác thực của bằng cấp. Tuy nhiên yêu cầu đầu vào cụ thể sẽ khác nhau tùy vào khóa học, trường đại học, và chương trình bạn đã học trước đó. Đối với một số chương trình thạc sĩ, sinh viên phải hoàn thành một số tín chỉ tối thiểu trong lĩnh vực nghiên cứu cụ thể. Các điều kiện này được đặt ra bởi chính khoa – trường tổ chức khóa học. Chẳng hạn khóa học thạc sĩ khoa học máy tính tại đại học Freiburg chỉ yêu cầu ứng viên có bằng cử nhân hoặc tương đương, với kết quả học tập trên trung bình. Trong khi đại học Hohenheim yêu cầu ứng viên cho khóa học thạc sĩ Kinh tế và Kinh doanh quốc tế của mình phải có tối thiểu hai năm kinh nghiệm làm việc và một bằng thạc sĩ tương đương trong cùng lĩnh vực. Trong đó không có tín chỉ nào dưới điểm B và một giấy phép từ công ty hiện tại của bạn đồng ý cho bạn đi học.

Quy trình nộp hồ sơ thạc sĩ như thế nào?

Có 2 cách nộp hồ sơ đăng ký học thạc sĩ tại Đức: Hồ sơ sẽ được gửi trực tiếp đến trường đại học, hoặc qua cổng thông tin trực tuyến Uni Assist. Uni Asssist là một dịch vụ sàng lọc hồ sơ và ứng viên, trích xuất các bộ hồ sơ đáp ứng tất cả các yêu cầu từ phía trường đại học, sau đó gửi về trường để đánh giá thêm. Không phải tất cả các trường đại học tại Đức đều sử dụng dịch vụ Uni Assist.

Mỗi trường sẽ có yêu cầu riêng về giấy tờ cần thiết trong bộ hồ sơ đăng ký học thạc sĩ, thông thường gồm một bản sao chính thức bằng đại học, ảnh hộ chiếu, bản sao hộ chiếu, và bản sao kết quả thi ngôn ngữ, cùng phí đăng ký.

Nhìn chung, cần nộp hồ sơ trước ngày 15 tháng 7 cho kỳ học mùa đông, và trước ngày 15 tháng 1 cho kỳ học mùa hè. Tất nhiên hạn nộp hồ sơ sẽ khác nhau giữa các trường, và cùng một trường sẽ có nhiều hạn khác nhau cho mỗi chương trình thạc sĩ. Hotcourses gợi ý bạn nên gửi đơn đăng ký ít nhất sáu tuần trước hạn, để đảm bảo thời gian sửa đổi hoặc bổ sung giấy tờ nếu cần.

Tôi có thể thêm tư vấn ở đâu?

Mỗi trường đại học đều có văn phòng tuyển sinh quốc tế (hay Aka­demisches Auslandsamt - AAA). Suy cho cùng, ngôi trường bạn đăng ký cũng là nơi ra quyết định cuối liệu quyết tâm du học của bạn có thành hiện thực hay không. Đó là lý do tại sao bạn nên liên hệ với AAA của trường đại học bạn đã chọn. Các văn phòng tuyển sinh quốc tế cũng thường tổ chức các sự kiện định hướng hay chiêu sinh rất hữu ích cho tân sinh viên. Chi tiết liên lạc của Văn phòng quốc tế tại các cơ sở giáo dục ở Đức có thể tìm thấy tại đây. Bên cạnh AAA, hãy kết nối với các sinh viên đã và đang học tập làm việc ở Đức qua hội sinh viên Việt Nam tại Đức , hoặc các nền tảng trao đổi giữa du học Đức với nhau như www.studivz.de.

 



Bài liên quan