Việt Nam English

NGÀNH LOGISTICS: HỌC GÌ, HỌC Ở ĐÂU VÀ LÀM GÌ?

Logistics là một lĩnh vực kinh doanh có đóng góp rất lớn trong hoạt động xuất nhập khẩu của mỗi quốc gia. Với một loạt các hiệp định thương mại như TPP, FTA,.., Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa ra thế giới. Vì thế, triển vọng phát triển của ngành này là rất lớn, mở ra hàng ngàn cơ hội việc làm cho các bạn sinh viên. Trong bài viết này, hãy cùng Ocean Edu tìm hiểu thêm về ngành học này nhé!

Logistics là gì?

Ta có thể tạm dịch Logistics là Hậu cần. Theo Hiệp hội các nhà chuyên nghiệp về quản trị chuỗi cung ứng (Council of Supply Chain Management Professionals – CSCMP), Logistics là “một phần của việc quản trị chuỗi cung ứng, bao gồm việc hoạch định, thực hiện, kiểm soát việc vận chuyển và dự trữ hiệu quả hàng hóa, dịch vụ cũng như những thông tin liên quan từ nơi xuất phát đến nơi tiêu thụ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.” Hiểu một cách đơn giản, Logistics là khâu trung gian để đưa hàng hóa từ cơ sở sản xuất đến tay người tiêu dùng. Hoạt động của Logistics bao gồm vận tải hàng hóa xuất và nhập, quản lý đội tàu, kho bãi, nguyên vật liệu, thực hiện đơn hàng, quản trị tồn kho, hoạch định cung/cầu. Ở một số mức độ khác nhau, các chức năng của logistics cũng bao gồm việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào, hoạch định sản xuất, đóng gói sản phẩm, dịch vụ khách hàng.

Logistics góp phần lớn vào sự tăng trưởng hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Nếu một doanh nghiệp tổ chức hiệu quả khâu vận chuyển, dự trữ cũng như những dịch vụ khác liên quan đến hàng hóa, doanh nghiệp đó sẽ tiết kiệm được chi phí đáng kể về nhân lực và thời gian, giúp giá thành sản phẩm hạ thấp, gia tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.


Có nên học ngành Logistics?

Xét trên góc độ thị trường, Logictics là một mắt xích quan trọng của nền kinh tế, hoạt động logistics giúp hàng hóa đến được tay người tiêu dùng và đảm bảo kịp thời nguồn nguyên liệu cho quá trình sản xuất. Khi nền kinh tế quốc gia hội nhập càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, Logistics sẽ ngày càng phát triển và hoàn thiện hơn, đồng nghĩa với việc vô vàn cơ hội việc làm sẽ mở ra với các bạn sinh viên. Theo thông tin từ Viện Nghiên cứu & Phát triển logistics Việt Nam, cho đến năm 2019, các doanh nghiệp dịch vụ logistics cần thêm 18.000 lao động, trong khi các doanh nghiệp sản xuất, thương mại cần trên một triệu nhân sự có chuyên môn về logistics.

Nếu bạn là người có tầm nhìn xa, khả năng phán đoán tốt để thì Logistics chính là ngành học bạn nên cân nhắc theo đuổi. Điều này sẽ giúp bạn dự đoán được nhu cầu của thị trường, yêu cầu của khách hàng, góp phần đáng kể trong việc tăng tính hiệu quả của chuỗi cung ứng sản phẩm. Ngoài ra, do tính chặt chẽ của hoạt động logistics, một trong những phẩm chất quan trọng của người làm logistics đó là tính cẩn thận, tỉ mỉ và kỉ luật trong công việc bởi mỗi mắt xích của logistics cần đảm bảo đúng quy trình và thời gian thì chuỗi cung ứng mới có thể vận hành trôi chảy. Bên cạnh đó, bởi lĩnh vực Logistics luôn gắn liền với những giao dịch mua bán quốc tế, khả năng thành thạo một hay nhiều ngoại ngữ khác nhau sẽ là điểm cộng rất lớn với các bạn sinh viên mới ra trường.

Học Logistics có thể làm gì?

Với tấm bằng trong ngành Logistics, có rất nhiều cơ hội việc làm dành cho các bạn sinh viên. Các bạn có thể làm việc tại các doanh nghiệp làm dịch vụ logistics, công ty vận tải hay các phòng ban như: phòng mua, phòng bán, phòng xuất nhập khẩu, phòng cung ứng vật tư, phòng dịch vụ khách hàng, phòng quản lí kho vận,... của hàng trăm doanh nghiệp có nghiệp vụ xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhỏ.

Người làm việc trong lĩnh vực logistics sẽ làm những công việc liên quan đến việc lên kế hoạch, thực thi và kiểm soát các luồng chuyển dịch của hàng hóa hay thông tin liên quan từ điểm xuất phát tới điểm tiêu thụ. Quá trình này bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa. Cụ thể, những vị trí công việc của nghề logistics gồm có:

  • Lên kế hoạch hay phân tích: Chịu trách nhiệm tập hợp và phân tích dữ liệu, xác định vấn đề và phát triển những khả năng hỗ trợ quản lý chuỗi cung ứng.
  • Thu mua: là người xác định nguồn hàng cung ứng, đánh giá và lựa chọn đơn vị cung ứng, đàm phán hợp đồng và giữ mối quan hệ hợp tác với những người cung ứng.
  • Chuyên viên kiểm kê: Là người chịu trách nhiệm kiểm kê chất lượng và độ chính xác của hàng hóa, giám sát lưu lượng hàng, làm việc với các kho hàng và chiến lược phân phối hàng hóa để tối ưu hóa dòng chảy công việc và năng suất lao động trong các cơ sở phân phối.
  • Nhân viên quản lý hàng hóa: Công việc này sẽ là kết hợp với các nhân viên thu mua, phân phối và cung ứng để đảm bảo quá trình phân phát hàng hóa sao cho tin cậy và hiệu quả.
  • Điều phối viên chuyên về vận tải: Quản lý các mối quan hệ với các nhà vận tải và khách hàng để đảm bảo hàng hóa được phân phát đúng thời hạn.
  • Điều phối viên sản xuất / Phân tích viên: phân tích số liệu và dự đoán nhu cầu sản xuất trong tương lai, lên kế hoạch sản xuất hàng hóa.


Ngoài ra, khi theo đuổi ngành học Logistics, bạn cũng có thể làm việc trong một số lĩnh vực liên quan mật thiết đến Logistics và quản trị chuỗi cung ứng như: phòng thanh toán quốc tế tại các ngân hàng trong và ngoài nước; phòng kinh doanh dịch vụ bảo hiểm tàu, bảo hiểm hàng hóa tại các công ty bảo hiểm;…

Học Logistics là học gì?

Có rất nhiều trường đại học cung cấp những khóa học liên quan đến ngành Logistics cả bậc đại học và sau đại học. Các khóa học về Logistics sẽ cung cấp kiến thức cho người học về rất nhiều lĩnh vực khác nhau như tìm kiếm và phân phối nguyên liệu đầu vào, phân phối sản phẩm, vận tải, chuỗi cung ứng, kiểm soát hàng tồn kho và dịch vụ khách hàng. Ngoài ra, do phạm vi của logistics thường vượt ra khỏi biên giới quốc gia, nhiều khóa học logistics cũng tích hợp cả việc nghiên cứu chiến lược kinh doanh và marketing quốc tế vào các khóa học của mình.

Một ví dụ về các môn học trong khóa học Thạc sĩ Quản trị Logistics tại Đại học Rotterdam, Hà Lan:

Kinh doanh toàn cầu

Tư duy phản biện và phương pháp nghiên cứu

Dự án toàn cầu

Lãnh đạo cá nhân

Quy hoạch và quản lí chuỗi cung ứng

Chiến lược tìm kiếm nguồn hàng và mua hàng

Phân phối vật chất và vận tải

Công nghệ và đổi mới trong chuỗi cung ứng

Quản trị hoạt động công ty

Quản lí kho

Quản lí cảng

Mô phỏng quản lí chuỗi cung ứng

Luận văn

Học Logistics ở đâu?

Hiện tại, có rất nhiều quốc gia trên thế giới giảng dạy chuyên ngành Logistics, nổi bật trong số đó là Hà Lan với vị trí thứ 4 thế giới trong bảng xếp hạng Chỉ số hiệu suất Logistics do World Bank công bố. Nhờ việc sở hữu hai trung tâm vận chuyển hàng hóa có quy mô lớn nhất nhì châu Âu là cảng biển Rotterdam và sân bay Schipol tại Amsterdam, Hà Lan đã trở thành “cửa ngõ của châu Âu”, trung chuyển tới 54% tổng lượng hàng hóa lưu thông vào châu Âu. Nếu bạn mong muốn du học tại Châu Á, Singapore cũng là một điểm đến vô cùng lí tưởng cho những bạn du học sinh muốn theo đuổi ngành học này. Cảng Singapore là một trong những cảng biển “nhộn nhịp” nhất thế giới, với lượng hàng hóa trung chuyển qua cảng bằng 1/5 lượng hàng chuyển bằng container của thế giới và cảng sở hữu 4 kho hàng hóa với sức chứa trên 600.000 m3.

Khi học tập tại Hà Lan và Singapore, do sự phát triển của hệ thống chuỗi cung ứng và Logistics tại các quốc gia này, bạn sẽ được tiếp cận với những kiến thức chuyên ngành cập nhật nhất cũng như trải nghiệm thực tế nhất về các quy trình, công đoạn của chuỗi cung ứng. Dựa theo bảng xếp hạng 100 khóa học tốt nhất thế giới ngành Logistics 2017 của Eduniversal, ta phải kể đến một số trường của Hà Lan, Singapore nắm giữ vị trí cao trong bảng xếp hạng như Đại học Rotterdam, Đại học Maastricht, Đại học Tilburg, Đại học Quốc gia Singapore.
Mức học phí trung bình của các khóa học Logistics là bao nhiêu?

Dưới đây là bảng tổng hợp mức học phí của một số khóa học bậc Thạc sĩ ngành Logistics (niên học 2017 -2018) tại các trường đại học khác nhau. Bạn có thể tham khảo chi phí của các khóa học này để lựa chọn khóa học có mức học phí phù hợp với mình:

Quốc gia

Trường

Khóa học

Học phí

Mỹ

Viện Công nghệ Massachusetts (MIT)

Thạc sĩ Quản trị Chuỗi cung ứng

$71,000

Mỹ

Đại học Purdue

Thạc sĩ Quản trị Chuỗi cung ứng toàn cầu

$45,253

Mỹ

Đại học Pennsylvania

Thạc sĩ chuyên nghiệp về Quản trị Chuỗi cung ứng

$31,650

Hà Lan

Đại học Rotterdam

Thạc sĩ Quản trị Chuỗi cung ứng

€11,000

Hà Lan

Đại học Tilburg

Thạc sĩ Quản trị Chuỗi cung ứng

€14,500

Hà Lan

Đại học Groningen

Thạc sĩ Công nghệ và Quản lí chuỗi vận hành

€14,200

Hà Lan

Đại học Hàng hải Hà Lan

Thạc sĩ Vận chuyển và Giao thông vận tải

€17,000

Vương Quốc Anh

Đại học Warwick

Thạc sĩ Quản trị Chuỗi cung ứng và Hậu cần

£24,640

Vương Quốc Anh

Đại học Manchester

Thạc sĩ Quản trị vận hành, dự án và Chuỗi cung ứng

£20,500

Vương Quốc Anh

Đại học Cranfield

Thạc sĩ Quản trị Chuỗi cung ứng và thu mua

£21,000

Vương Quốc Anh

Đại học Lancaster

Thạc sĩ Quản trị Chuỗi cung ứng và Hậu cần

£17,500

Singapore

Đại học Quốc gia Singapore

Thạc sĩ Quản trị Chuỗi cung ứng

19,800 SGD

Singapore

Đại học Curtin Singapore

Thạc sĩ Quản trị Chuỗi cung ứng

32,256 SGD

Singapore

Học viện Quản lí Singapore

Thạc sĩ Quản trị Chuỗi cung ứng và Hậu cần

32,100 SGD

 



Bài liên quan