Việt Nam English

Chọn trường Đại học đừng chỉ nhìn vào vị trí xếp hạng của chúng

Một trong những cách mọi người thường sử dụng để chọn trường đại học ở nước ngoài là tham khảo các bảng xếp hạng uy tín như Times Higher Education, Academic Ranking of World University và QS World. Không thể phủ nhận những bảng xếp hạng này sẽ góp phần giúp phụ huynh và học sinh thu hẹp phạm vi lựa chọn các trường đại học, nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số tiêu chí cũng quan trọng không kém.

Bảng xếp hạng Đại học và những chỉ số phổ biến

Thông thường, các bảng xếp hạng đại học hàng đầu thế giới sẽ xoay quanh một số tiêu chí đánh giá phổ biến như sau:

Chất lượng đào tạo (30%) – Chỉ số này được đánh giá thông qua mức độ danh tiếng của trường dựa trên kết quả khảo sát, số lượng sinh viên theo học cũng như lợi nhuận hàng năm mà nhà trường thu được. Các bảng xếp hạng thường ưu tiên chọn các trường có chương trình học đa dạng để thực hiện khảo sát.

Cơ hội nghiên cứu (30%) – Quy mô dự án, khoản phí được tài trợ và danh tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu học thuật là những yếu tố nổi bật cần xem xét. Tuy nhiên việc đánh giá này vẫn còn gây tranh cãi vì theo Times Higher Education, chỉ số này sẽ bị phụ thuộc bởi chính sách quốc gia và bối cảnh kinh tế của mỗi nước.

https://images1.content-hci.com/commimg/myhotcourses/blog-inline/myhc_30695.gif

Tỉ lệ được trích dẫn của mỗi khoa (30%) – Các dự án nghiên cứu của trường càng được người khác trích dẫn lại bao nhiêu thì sẽ càng chứng tỏ trường đã hoàn thành tốt vai trò phổ biến kiến thức mới cũng như có sự ảnh hưởng nhất định đến các nghiên cứu hoặc cái bài viết học thuật khác.

Tầm nhìn quốc tế (10%) - Khả năng tuyển dụng giảng viên lẫn sinh viên quốc tế của một trường đại học là dấu hiệu của một môi trường giáo dục chất lượng cao. Trường nào càng có tỉ lệ “quốc tế” cao sẽ càng có vị trí cao hơn trên bảng xếp hạng toàn cầu.

Các thông số trên có thể thay đổi phụ thuộc vào từng bảng xếp hạng cũng như chỉ số xếp hạng bạn muốn theo dõi. Tuy nhiên, khi đọc những tiêu chí phổ biến trên, chắc hẳn bạn đã nhận ra rằng dù bảng xếp hạng có uy tín đến đâu thì cũng không thể có được những đánh giá chuẩn xác và cặn kẽ nhất. Đó là lý do vì sao các bạn nên tìm hiểu thêm nhiều chỉ tiêu khác nữa.

Những tiêu chí nên bổ sung vào “bảng xếp hạng” cá nhân

Hiểu rõ nhu cầu của bản thân

Mỗi cơ sở giáo dục trên khắp thế giới đều có một bản sắc, phương châm, tầm nhìn và phương thức hoạt động riêng. Ví dụ như hai trường đại học đều có chương trình Quản trị kinh doanh chất lượng cao nhưng sẽ chỉ có một trường đem đến chính xác thứ bạn cần.

https://images4.content-hci.com/commimg/myhotcourses/blog-inline/myhc_30848.jpg

Chính vì thế nên ngoài việc tập trung phân tích toàn diện chương trình giảng dạy của các trường thì bạn còn phải nắm rõ nhu cầu học tập của mình để chọn chương trình phù hợp nhất. Việc chọn một trường đại học hợp với mình nhưng có vị trí không cao lắm trên bạng xếp hạng vẫn tốt hơn là cố gắng chọn một cái tên nổi tiếng nhưng lại không phù hợp với khả năng và kế hoạch làm việc sau này.

Khai mở góc nhìn

Phần lớn các bảng xếp hạng đại học như Times Higher Education và QS công bố kết quả về mức độ uy tín của các trường đại học trên thế giới bằng cách thực hiện khảo sát với những người hoạt động trong ngành giáo dục. Vì lẽ đó nên việc các trường đại học được xếp vào danh mục “hàng đầu” sẽ phụ thuộc vào phần lớn ý kiến đánh giá chủ quan của một số người.

Chính vì vậy nên ngoài việc tham khảo các bảng xếp hạng thì bạn có thể tìm hiểu thêm các khảo sát người trong cuộc cũng quan trọng không kém, chẳng hạn như tỉ lệ hài lòng của sinh viên hay góc nhìn của các nhà tuyển dụng.

Lưu ý về ngôn ngữ Bảng xếp hạng sử dụng

Như đã chia sẻ, một trong những chỉ số chính của các bảng xếp hạng là tập trung vào thói quen nghiên cứu của các trường đại học. Các bảng xếp hạng sẽ chỉ đo lường số lượng các bài báo học thuật hoặc nghiên cứu bằng tiếng Anh mà các trường đại học đã công bố. Khi đó, những trường đại học thực hiện nghiên cứu bằng nhiều ngôn ngữ khác sẽ không được xem xét nên tất nhiên sẽ khó có thể xuất hiện trong bảng xếp hạng toàn cầu. Trong trường hợp bạn theo học một ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh và muốn tìm trường có chương trình nghiên cứu tốt thì nên lưu ý điều này nhé.

Đừng quên tìm hiểu về phương pháp giảng dạy

Những hệ thống xếp hạng đại học thường không thực sự đánh giá phương pháp giảng dạy của trường mà chỉ dựa vào số lượng bài báo của các học giả và những cựu sinh viên đạt giải thưởng lớn để đưa kết luận về chất lượng đào tạo, tức thường chỉ được đánh giá bằng phương pháp định lượng chứ không phải định tính.

Điều bạn cần làm là nên tìm hiểu kỹ hơn về chất lượng đào tạo của ngành bạn đang quan tâm để có góc nhìn thực tế và chính xác hơn. Phương pháp giáo dục cụ thể của từng trường cũng rất quan trọng bạn đừng nên bỏ qua.

Và những vấn đề đời sống xã hội

Ngoài việc tìm hiểu chương trình học, bạn còn nên xem xét đến bối cảnh chính trị, xã hội và kinh tế của quốc gia nơi trường đại học tọa lạc. Tìm hiểu kỹ lưỡng về thành phố hay đất nước bạn sắp đến cũng góp phần giúp bạn có những hoạch định đúng đắn cho việc học tập và cả sau khi ra trường.

Nếu bạn đam mê văn hoá Đức, Ai len hay Hungary, đừng ngần ngại cân nhắc việc du học ở những điểm đến du học này. Bất kể trường đại học bạn chọn không đạt thứ hạng cao trong bảng xếp hạng thì cũng chẳng sao vì quan trọng nhất vẫn là bạn có cơ hội trải nghiệm những điều mình thích.

https://images3.content-hci.com/commimg/myhotcourses/blog-inline/myhc_30463.gif

Tạm kết

Du học là một hành trình mang tính cá nhân cao nên bạn đừng nên dùng tiêu chuẩn chung để đưa ra quyết định cho mình. Hãy chắc chắn rằng ngôi trường bạn chọn theo học là vì bạn thấy nó thực sự phù hợp với mình chứ không phải do bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khác.



Bài liên quan